Vì sao Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ IELTS?

‘Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu quy đinh khuyến khích ấy giao cho các Sở GDĐT quyết định thì có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục’, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.

Trong vài năm qua, một số địa phương đưa – bài thi tiếng Anh chuẩn hóa cho người không nói tiếng Anh bản xứ – vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Theo đó, 3 hình thức chính được các tỉnh, thành phố sử dụng là tuyển thẳng, cộng điểm, miễn thi và quy đổi thành điểm môn tiếng Anh cho những thí sinh có IELTS, thường tính từ 4.0/9.0 trở lên.

Tuy nhiên, ngày 23/2/2024, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu một số tỉnh, thành phố dừng việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. (Ảnh: TP)

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT.

Thưa ông, vì sao Bộ GDĐT lại vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế?

Phải khẳng định rằng Quy chế từ THCS vào THPT của Bộ GDĐT không có quy định này và Bộ GDĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Do đó, yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế của Bộ GDĐT là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã được ban hành.

Vừa rồi Bộ GDĐT nhận thấy một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ GDĐT ban hành.

Căn cứ vào đâu để Bộ GDĐT quy định 4 nhóm đối tượng thuộc diện tuyển thẳng trong Quy chế tuyển sinh hiện nay?

Một trong những căn cứ rất quan trọng được Bộ GDĐT đưa ra để xây dựng thông tư cũng như xin ý kiến ban hành thông tư theo đúng quy trình của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là làm sao đảm bảo được sự công bằng nhất đối với tất cả các em học sinh. Vì vậy, đối với những đối tượng được tuyển thẳng đều là những đối tượng chính sách cần có sự ưu tiên để tạo điều kiện cho các đối tượng đó có thể tiếp tục học tập ở cấp phổ thông.

Ngoài ra, một phần ưu tiên dành cho các em học sinh đã tham gia các giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và Cuộc thi KHKT. Đó chính là những căn cứ để Bộ GDĐT xây dựng Quy chế tuyển sinh và thực hiện từ năm 2014 đến thời điểm này.

Điều này có nghĩa, những thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì sẽ không được hưởng bất cứ ưu tiên nào khi mà xét tuyển vào lớp 10 theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện nay.

(Ảnh minh họa).

Bộ GD-ĐT đánh giá như thế nào về việc một số địa phương có những ưu tiên nhất định đối với những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cuộc đua lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện nay?

Việc ban hành quy định này với mong muốn tạo điều kiện, khuyến khích các em học tập nhưng khi thực hiện, Bộ nhận thấy rằng, việc khuyến khích phải tính đến sự công bằng trong giáo dục cho các em học sinh.

Thực tế, cùng một địa phương, những địa bàn học sinh được tiếp cận học ngoại ngữ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt là học tập để lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao sẽ thuận lợi hơn so với những địa bàn có điều kiện khó khăn hơn. Như vậy, về năng lực, về tiềm năng, trí tuệ của học sinh đó tốt nhưng điều kiện thuận lợi ít hơn thì không có chứng chỉ. Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu quy đinh khuyến khích ấy giao cho các Sở GDĐT quyết định thì có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục.

Chúng ta phải nghĩ rằng việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của các em học sinh, học để nắm được ngoại ngữ, để dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài.

Chúng tôi muốn nhân đây kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh hãy nghĩ rằng lợi ích lâu dài trong việc học ngoại ngữ của con mình là trang bị cho con phương tiện, công cụ học tập, để làm việc cho tốt hơn, không nên chạy đua nhằm trang bị cho mình một cái chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh.

Quan điểm của Bộ GDĐT đối với vai trò của học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục hiện nay như thế nào, thưa ông?

Học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước. Học ngoại ngữ ở đây là trang bị cho học sinh một năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế.

Việc khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, học sinh ở lứa tuổi học trung học phổ thông về mặt ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Việc các em có thể đọc trên mạng, vào các website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Đó mới chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn và trong chỉ đạo của Bộ GDĐT là đẩy mạnh việc này để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.

Trong quá trình học tập, ngoài nội dung môn Ngoại ngữ thì có một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Việc này cũng có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ trong nhà trường theo đúng quy định, chương trình một cách hiểu quả nhất và như thế thì các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ.

Hiện một số tỉnh, thành tiếc nuối vì cho rằng việc ưu tiên thí sinh có IELTS giúp giảm áp lực thi cử, tạo động lực học ngoại ngữ ở địa phương. Vậy, theo ông quyết định này của Bộ GDĐT có ảnh hưởng như thế nào đến các thí sinh tập trung chỉ học ngoại ngữ để có thể được cộng điểm hoặc tuyển thẳng nếu có chứng chỉ quốc tế trong thời gian qua?

Nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ thì việc học đó không đi đâu mất cả mà bản thân các em đã học. Tôi cho rằng, nội dung học để thi được chứng chỉ cũng rất tốt, đây cũng là việc khuyến khích các em học để rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí. Bên cạnh đó, nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ thì bản thân các em đã sẵn sàng lợi thế, cũng không cần thiết việc khuyến khích hơn các bạn khác. Đây không phải việc Bộ GDĐT ban hành quyết định mới mà chúng tôi có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng yêu cầu cần thực hiện trong những năm vừa qua.

Đối với kỳ tuyển sinh đầu cấp lớp 10 năm nay ông có lời khuyên nào cho học sinh và gia đình các em?

Học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp. Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay thì người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng.

Vì vậy, lời khuyên của tôi là học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Học thật và học thật rồi thì bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả. Nếu thật sự mình ở đối tượng ấy được ưu tiên, được tuyển thẳng thì chúng ta hưởng nhưng nếu không thì chúng ta học để có năng lực bản thân và cũng không trông chờ vào sự ưu tiên ấy. Trải qua các kỳ thi, chúng ta chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn, để lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, đáp ứng yêu cầu cho bản thân các em, phát triển bản thân cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Thu

Related Posts

Xu hướng thiết kế hộp giấy 2025

Xu hướng thiết kế và in ấn hộp giấy 2025: Đổi mới và bền vững

Trong thế giới luôn thay đổi của thiết kế và in ấn, Công ty in ấn Azoka tự hào giới thiệu những xu hướng mới nhất trong…

Dàn hot girl là vợ của các rapper nổi tiếng Việt Nam

Ngoài sở hữu nhan sắc xinh đẹp, hội hot girl như Emily, Trâm Anh… còn được ngưỡng mộ khi có cuộc sống hôn nhân êm ấm, hạnh phúc bên dàn rapper Việt Nam nổi tiếng như Big Daddy, JustaTee.

Model Cheryl Dương thần thái tự tin trong bộ hình chuyên nghiệp chủ đề K-pop

  Vừa qua, Model Cheryl Dương đã thực hiện bộ ảnh mang phong cách Kpop. Trong bộ ảnh này, Cheryl Dương không chỉ có thần thái tự…

Real Madrid thắng Atalanta trận Siêu cúp, Mbappe có danh hiệu châu Âu đầu tiên

Chưa một lần lên đỉnh vinh quang ở cấp độ câu lạc bộ, Kylian Mbappe ‘đổi vận’ thành công khi cùng Real Madrid đánh bại Atalanta ở trận tranh Siêu cúp châu Âu rạng sáng 15-8 tại Warsaw (Ba Lan).

Cao tốc bị bụi đỏ ‘bủa vây’

Bụi bay mịt mù từ công trường xây dựng sân bay Long Thành ra cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án), đơn vị thi công, nhà thầu đã huy động 43 xe sử dụng chuyên biệt cho mục đích tưới dập bụi dọc theo tuyến đường nội bộ.

Mẹ bế con 2 tuổi lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội dự toà, mong lấy lại tiền

21 giờ 30 phút tối qua, chị H. đi tàu từ Nghệ An ra Hà Nội. Đến 5 giờ sáng nay (19/3), chị H. đã đến tham dự phiên toà xét xử chủ tịch Tân Hoàng Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *