Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ công tác một cán bộ CSGT dùng chân đạp ngã người đang đi xe máy. Vậy thì khi nào CSGT được phép dùng vũ lực?
Theo thông tin ban đầu do Đội CSGT Bàn Cờ báo cáo, vụ việc xảy ra vào khoảng 12h15 ngày 5/12, Đội CSGT Bàn Cờ bố trí một tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên một số tuyến đường đảm trách. Khi đến đoạn đường 3 Tháng 2 – Sư Vạn Hạnh phát hiện một số người dân điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông với lỗi “không đi bên phải theo chiều đi của mình” hướng về đường Lê Hồng Phong, Đội CSGT Bàn Cờ đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm.
Trong khi đang lập biên bản vi phạm hành chính đối với một người điều khiển vi phạm, Đại úy D.H. phát hiện một nam thanh niên tên T.H. (sinh năm 1993) điều khiển xe máy màu trắng BKS: 59H1-66X.XX có hành vi vi phạm “không đi bên phải theo chiều đi của mình” nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để xử lý.
Tuy nhiên, người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng của CSGT mà cố tình tăng ga bỏ chạy, luồn lách qua nhiều phương tiện khác hướng về đường Cao Thắng. Nam thanh niên lúc này điều khiển phương tiện bỏ chạy ngược chiều, leo lên vỉa hè một cách nguy hiểm. Nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm, Đại úy H. đã tăng ga áp sát.
Đến khu vực trước Nhà hát Hòa Bình, Đại úy H. tiếp cận sát thanh niên và dùng chân đạp vào phương tiện để ép ngã. Trong lúc tăng ga tìm cách chạy, thanh niên lạc tay lái va vào một phương tiện khác và ngã xuống đường.
Theo dõi diễn biến vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nam – Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, có thể nhận thấy thanh niên điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện, hành vi chống đối người thi hành công vụ, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cho người tham gia giao thông, cần phải xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Căn cứ các quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, lực lượng thực thi đảm bảo an toàn giao thông cần triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi của thanh niên này.
Trong đó, theo quy định tại điều 8, 16 Thông tư số 32/TT-BCA lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền dừng phương tiện giao thông của thanh niên này nhưng phải đảm bảo các yêu cầu theo luật định như An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông…
Đồng thời, tại điều 9, điều 11 Nghị định số 208/2014/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ nêu: Trước khi thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại khu vực lực lượng chức năng phải xây dựng phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác cụ thể đối với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.
Các phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra và biện pháp, cách thức, trình tự giải quyết và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ phải thực hiện đúng các phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giữ đúng lễ tiết, tác phong, kỷ luật công tác.
Cũng theo luật sư Nam, việc chiến sĩ cảnh sát giao thông thực hiện hành vi ngăn chặn, xử lý hành vi của người chống đối thi hành công vụ phải phù hợp với kế hoạch công tác kiểm tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như tại điều 9, 11 nêu trên.
Phải đảm bảo việc ngăn chặn người chống thi hành công vụ không thuộc các trường hợp nghiêm cấm theo quy định tại điều 5 của Nghị định số 208/2014/NĐ-CP như: Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ; Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ.
Đảm bảo các quy định pháp luật khác có liên quan và theo quy định tại điều 14 của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ không có bất kỳ quy định nào cho phép chiến sĩ cảnh sát giao thông được dùng vũ lực để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ.
Phúc Đức“