Sau vụ học sinh nhốt cô giáo trong lớp xảy ra tại trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), điều được nhiều người quan tâm là theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã nêu rõ những điều học sinh không được làm gồm:
Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh;
Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ;
Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng;
Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân; Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh học sinh nhốt cô giáo trong lớp xảy ra tại trường THCS Văn Phú được cắt từ clip
Như vậy, theo quy định này, nếu có một trong các hành vi vi phạm nêu trên, học sinh có thể bị xử lý kỷ luật – luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về quy định khen thưởng và kỷ luật với học sinh THCS và học sinh THPT, theo Điều 38, Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:
Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, học sinh có hành vi xúc hạm danh dự nhân phẩm, đánh đập giáo viên có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (khoản 1 Điều 26 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).
Trường hợp học sinh có hành vi bạo lực gây gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của giáo viên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với khung hình phạt cao nhất lên tới 14 năm tù.
Song, theo quy định hiện hành, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
“cluster”: