Uống chút bia vào hôm trước, đến hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy tỉnh táo, nhưng không biết độ cồn trong cơ thể đã về mức 0 tuyệt đối chưa?
Thời gian gần đây, những tranh cãi xung quanh quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe. Đã có nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra, ngay cả trong các phiên họp Quốc hội. Cá nhân tôi cho rằng, quy định nồng độ cồn về 0 tuyệt đối mới được điều khiển phương tiện là một điều tốt trong bối cảnh ý thức giao thông của người Việt còn thấp, chưa được văn minh như các nước phát triển. Việc đòi hỏi phải có một vùng xanh nồng độ cồn có thể kéo theo nhiều hệ lụy không tốt, thậm chí làm tình hình trở nên phức tạp.
Ở đây, tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là tranh cãi xem có nên quy định độ cồn bằng 0 khi lái xe hay không, mà vấn đề ở chỗ làm sao để người dân biết được mình đã đủ điều kiện để cầm lái sau một thời gian sử dụng đồ uống, thực phẩm, thuốc có cồn? Bởi chắc chắc phần đông trong chúng ta đều không muốn bị xử phạt chỉ vì vô ý vi phạm phải không?
Tôi lấy ví dụ, hôm qua mình có uống một chút bia, rượu trong buổi tiệc liên hoan của công ty. Sau đó, để đảm bảo an toàn, tôi bắt taxi để về nhà nghỉ ngơi. Sau một giấc ngủ dài, tôi tỉnh dậy thấy tương đối tỉnh táo. Nhưng bản thân tôi không dám chắc cơ thể của mình đã hoàn toàn giải phóng hết lượng cồn hôm qua hay chưa? Bởi về lý thuyết, mỗi người sẽ có một tốc độ giải phóng cồn khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng và các bệnh lý liên quan.
Như vậy, nếu tôi muốn đến công ty vào hôm sau, làm sao để tôi biết và an tâm rằng độ cồn trong hơi thở đã về 0 để lái xe? Không lẽ mỗi người lại phải tự trang bị cho mình một máy đo nồng độ cồn tại nhà để thử trước khi ra ngoài để đỡ bị xử phạt?
>> Cân nhắc kinh tế khi cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe
Hiện nay, tôi không thấy hướng dẫn cụ thể nào về thời gian để đưa nồng độ cồn về mức 0, ví dụ như uống một lon bia, một cốc rượu thì phải chờ tối thiểu bao lâu mới được điều khiển phương tiện? Cũng không có Bộ nào cấp phép thiết bị đo nồng độ cồn cho người dân tự kiểm tra tại nhà. Thế nên, tất cả vẫn dừng lại ở mức phán đoán theo cảm tính của mỗi người. Và đó chính là nguồn cơn tạo nên những bất cập trong việc xử phạt nồng độ cồn theo quy định hiện nay (nhiều người không biết cơ thể mình có nồng độ cồn trên mức 0).
Bởi vậy, để quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe không vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía người dân, tôi cho rằng nhà nước nên tổ chức thực nghiệm khoa học xem ăn gì, uống gì (kể cả uống rượu bia) mà trong máu có độ cồn và bao lâu để nó về về ngưỡng 0 tuyệt đối, để công bố cho người dân biết và cùng áp dụng. Làm được vậy, chúng ta sẽ không còn phải tranh cãi nhau về những trường hợp bị xử phạt không thuyết phục như suốt thời gian qua.
Nên nhớ, mục đích của quy định xử phạt nồng độ cồn không phải để cấm người ta uống rượu bia, mà là ngăn chặn hành vi lái xe khi đã sử dụng đồ uống có cồn. Khi một quy định được đưa ra mà không đảm bảo tính thuyết phục, gây nên những ý kiến phản đối trái chiều, thì quy định đó sẽ khó lòng phát huy được hết tác dụng của nó, cho dù có tốt đến đâu. Do vậy, là một công dân, tôi rất hy vọng những hướng dẫn cụ thể, thấu tình đạt lý sẽ sớm được đưa ra để toàn bộ người Việt đồng lòng thực hiện và tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông.