Thứ tưởng chừng như là đồ bỏ đi không ngờ lại có nhiều công dụng đến vậy.
Nhắc đến ngô, nhiều người Việt Nam không còn xa lạ nữa, thậm chí còn cảm thấy thân thuộc như mùi vị của quê hương bản quán. Vì ngô là một trong số các loại lương thực đã gắn bó với người Việt từ xa xưa.
Thông thường, khi ăn ngô, người ta chỉ lấy hạt và vứt bỏ lõi nhưng ít ai biết rằng ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, lõi ngô là thứ có giá trị, được bày bán trên kệ siêu trị với giá “bất ngờ”.
Mới đây, một tài khoản Facebook đã chia sẻ hình ảnh cho thấy lõi ngô được bày bán trong siêu thị ở Hàn Quốc với giá 2.000 won (tương đương hơn 37.000 VNĐ)/gói. Những hình ảnh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt bình luận. Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ngạc nhiên về giá trị bất ngờ của lõi ngô, thậm chí có người còn cho biết: “Ở quê mình, lõi ngô vứt cho bò cũng không ăn”.
Vậy vì sao thứ tưởng như “phế phẩm” ở Việt Nam lại “có giá” như vậy ở Hàn Quốc?
Bài đăng cho biết lõi ngô khô rửa sạch nấu nước như trà để uống đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Theo Naver, lõi ngô được cho là có tác dụng chữa bệnh. Thành phần chính của lõi ngô là beta-sitosterol (chất tương tự như cholesterol), một loại phytosterol, được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực vật và đặc biệt có nhiều trong lõi ngô.
Beta-sitosterol có tác dụng với nướu, giúp tái tạo dây chằng nha chu bị tổn thương, ngăn ngừa tình trạng răng lung lay bất thường. Nó cũng giúp duy trì nướu khỏe mạnh, tăng khả năng chống viêm ở nướu.
Ngoài ra, trang này cũng cung cấp thông tin về các tác dụng khác của lõi ngô, như giảm cholesterol, chống viêm, điều trị phì đại tuyến tiền liệt, chống ung thư…
Không chỉ có tác dụng với sức khỏe con người, lõi ngô còn được ứng dụng để sản xuất nhiều nguyên vật liệu phục vụ đời sống con người.
Cụ thể, trong một báo cáo nghiên cứu ở Hàn Quốc của nhà khoa học Lee Jong Ik, lõi ngô có thể dùng làm chất độn cỏ nhân tạo thân thiện với môi trường. Được biết, chất độn cỏ nhân tạo, chủ yếu được làm từ các sản phẩm hóa học thông thường, nay có thể được thay thế bằng lõi ngô.
Theo đó, thông thường, sân cỏ nhân tạo được lấp đầy bằng cỏ làm từ nhựa tổng hợp như polyvinylidene clorua (PVC), polyetylen (PE) và polypropylen (PP).
Cao su tổng hợp, nhựa nhiệt dẻo được sử dụng làm vật liệu độn, bao gồm Styrene Butadiene (SBR), chất đồng trùng hợp khối Styrene-Butadiene-Styrene và Styrene-ethylene-butadiene-styrene… Những chất này về cơ bản là các sản phẩm hóa dầu dựa trên nhiên liệu hóa thạch và có nhiều tranh cãi về tác hại của chúng đối với cơ thể con người.
Vì vậy, nhu cầu cấp thiết là phải phát triển chất độn cho sân cỏ nhân tạo bằng vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như vật liệu có thể phân hủy tự nhiên ngay cả khi được chôn trong lòng đất, nhưng có đủ độ bền khi sử dụng trong sân cỏ nhân tạo. Và lõi ngô là thứ được lựa chọn.
Ngoài ra, lõi ngô cũng được dùng để nghiền ra làm than hoạt tính. Than làm từ lõi ngô có đặc điểm là cháy lâu, sinh nhiệt mạnh, không dễ bốc lửa và không khói. Việc sản xuất than hoạt tính từ lõi ngô còn góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là giải pháp không chỉ tạo ra nguồn chất đốt mới có nhiệt lượng cao thay thế than đá mà còn giải quyết được lượng phế thải lõi ngô.
Nguồn: Tổng hợp