Tưởng rằng người say xỉn sẽ là khách hàng tiềm năng của xe ôm công nghệ, trong cộng đồng tài xế nhiều người lại khuyên nhau không nên chở khách uống say dịp cận Tết.
21h, anh Văn Quốc Hùng (34 tuổi, quận 8) vừa hoàn thành một chuyến xe chở khách đến đường Lê Duẩn. Anh dừng xe đối diện một khách sạn lớn để đợi khách.
Dù đông hay vắng khách, anh Hùng thường né các quán nhậu hay những nơi có tiệc tùng. Bởi lẽ, cộng đồng xe ôm công nghệ thường khuyên nhau không nên chở khách uống say, đặc biệt là vào dịp cận Tết.
“Cuối tuần này mình nhận được một cuốc xe từ quán nhậu trên đường Hoàng Sa đi Cô Bắc. Ban đầu còn định hủy chuyến nhưng thấy tiếc tiền quá nên cũng nhận. Thế rồi đang đi thì người ta nôn đầy người mình. Sau đó thì đành về chứ hôi thối như vậy thì không chở khách tiếp được”, anh Hùng kể lại trải nghiệm chở khách say xỉn.
Cận Tết Nguyên đán, những buổi tiệc diễn ra với tần suất dày hơn. Nhiều tài xế xe công nghệ phải hạn chế đậu gần quán nhậu hoặc tự chuẩn bị cách ứng phó với những khách uống say có hành động quá khích.
Tài xế xe công nghệ được kỳ vọng sẽ kiếm được thu nhập thời điểm cận Tết khi nhiều người uống rượu, bia, nhưng không phải mọi tài xế đều thấy người uống là “khách hời”. Ảnh: Phương Lâm.
Né khách say xỉn
Anh Hoàng Chí Long (35 tuổi, quê ), vừa chạy xe ôm công nghệ được 3 tháng. Mỗi ngày, thu nhập trung bình của anh sẽ rơi vào khoảng 200.000-400.000 đồng cho 8-9 tiếng chạy xe. Thậm chí, thu nhập của anh còn nhỉnh hơn trong dịp cận Tết.
Dù vậy, anh Long vẫn quyết định nghỉ Tết sớm thay vì chạy xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập. “Mình cũng muốn chạy Tết để kiếm tiền nhưng mà cuối năm tất niên nhiều quá, khách say xỉn gọi xe cũng nhiều. Mình muốn né mấy người đó nên quyết định chạy đến 28 Tết, hoặc sớm hơn, là nghỉ”, anh lý giải.
Tối 29/1, anh Long nhận được một chuyến xe đi từ một quán bar trên đường Trần Hưng Đạo về quận 4. Khách là một bạn nam tầm 24-25 tuổi, đã có hơi men trong người.
“Cậu ấy bước lên xe loạng choạng lắm. Lúc đó mình đã muốn hủy chuyến nhưng không lẽ người ta đã lên xe ngồi lại đuổi xuống. Suốt chuyến đi, bạn cứ ngồi lắc lư làm xe chảo đảo liên tục. Bạn còn đặt sai địa chỉ nhà nữa. Vậy mà cuối cùng bạn đánh giá 1 sao vì nói mình đi sai đường”, anh kể.
Cộng đồng tài xế xe công nghệ khuyên nhau không nên chở người đã uống say. Ảnh: Minh Khánh.
Những tháng gần Tết, cộng đồng tài xế công nghệ thường khuyên nhau nên hủy chuyến nếu thấy khách đã say. Theo họ, những người say thường hung hăng hơn so với bình thường và đôi khi nôn ói lên người tài xế.
Nhiều tài xế chia sẻ mình bị đánh giá 1 sao vì chạy chậm, ghé đổ xăng hoặc chạy theo bản đồ thay vì hướng dẫn của khách hàng. Khi bị đánh giá 1 sao, các tài xế sẽ bị hạn chế nhận đơn hoặc khóa tài khoản nếu gặp nhiều lần.
Những vấn đề khi chở khách say xỉn còn không dừng ở thái độ, lượt đánh giá.
Anh Nguyễn Văn Dương (45 tuổi, quê Sóc Trăng) chạy xe công nghệ từ năm 2018. “Mình chạy xe từ năm 2018 đến giờ. Cũng coi như có biết cách đối phó rồi nên cũng không gọi là sợ khách xỉn đâu”, anh Dương chia sẻ với Tri Thức – ZNews.
Dù vậy, anh Dương cũng không tránh khỏi những vấn đề khi chở khách uống say. “Có lần mình chở một ông anh đã xỉn lắm rồi, đi từ Bình Thạnh về Quận 10. Xỉn quá nên anh cũng cộc cằn, không chịu đội nón bảo hiểm. Gặp công an ông ấy còn đi xuống quậy. May là các anh công an thấy xỉn quá rồi nên cũng cho đi”, anh kể.
Chạy xe 5 giờ, kiếm được 60.000 đồng
Chạy xe dịp cận Tết, gặp nhiều vấn đề hơn, nhận được nhiều cuốc xe hơn nhưng thu nhập của các tài xế lại không cao hơn là mấy.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi, quận 8) làm công nhân cho nhà máy ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Mỗi tối, anh sẽ chạy xe công nghệ từ 5-8 tiếng để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, càng gần Tết, thu nhập đến từ nghề chạy xe càng thấp.
“Dạo này mình không được nổ bao nhiêu đơn. Có nổ thì cũng toàn đơn ‘đưa đò’ từ 8.000-20.000 đồng. Điển hình là hôm qua chạy 5 giờ mà chỉ kiếm được 60.000 đồng. Mà nghề này bào sức dữ lắm, ngồi xe liên tục, dãi nắng dầm mưa”, anh Tuấn tâm sự.
Thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ giảm đáng kể trong dịp cận Tết. Ảnh: Quỳnh Trang.
Chạy xe ôm công nghệ hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Hải (38 tuổi, quê Tiền Giang) cũng bị giảm thu nhập đáng kể. Thời điểm cận Tết này, số chuyến xe mà anh nhận được chỉ còn 7-8 chuyến/ngày. Trong khi đó, xăng lên giá và chiết khấu của hãng xe thì ở mức 27-30%.
Từ đầu tháng 12 âm lịch, đến nay, không có ngày nào anh Hải nhận được quá 20 chuyến xe. Ngày ế ẩm nhất, anh chỉ chạy được 7 chuyến. “Mình chạy từ 5h sáng, đến giờ là 22h đêm thì được 700.000 đồng. Trừ tiền xăng xe, ăn uống và chiết khấu của hệ thống, mình còn chưa đến 200.000 đồng. Mỗi chuyến xe thì ngắn, thường là 7.000-8.000 đồng”, anh chia sẻ về thu nhập của mình.
Chia sẻ với Tri Thức – ZNews, nhiều tài xế tâm sự sẽ nghỉ Tết sớm để về quê thay vì cố cầm cự ở TP.HCM. Theo các anh, số người thất nghiệp đi chạy xe công nghệ ngày càng đông mà khách dịp Tết lại ít, dù bỏ ăn Tết để chạy xe thì cũng không kiếm được nhiều tiền.
Đông Tùng“