Cũng giống như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng dính nhiều sai phạm liên quan đến dự án Đại Ninh – dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 25.243 tỷ đồng.
Ngày 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Quan lộ của ông Trần Đức Quận
Ông Trần Đức Quận, sinh năm 1967 tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, có trình độ thạc sỹ Luât. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, có nhiều năm công tác tại .
Ông Trần Đức Quận.
Quá trình công tác, Từ năm 2004 đến năm 2009, ông Quận Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, tỉnh Lâm đồng; từ năm 2009 đến tháng 12/2010, là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Từ tháng 12/2010 đến năm 2013, ông Quận là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2010-2015; từ năm 2013 – tháng 9/2015, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy , tỉnh Lâm Đồng.
Từ tháng 9/2015 đến tháng 10/2015, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015; từ tháng 10/2015 đến tháng 7/2016, là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa X, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Từ tháng 7/2016 đến tháng 10/2020, ông Quận là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa X, nhiệm kỳ 2015 – 2020; Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày 15/10/2020, ông Quận trở thành Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Quận được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
“Dính chàm” tại dự án tỷ USD
Trở lại với sai phạm của ông Quận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đây là diễn biến mới nhất của vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Sài Gòn Đại Ninh) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận vào ngày 30/12/2010, trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng, gồm: Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan.
Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595ha, trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050ha, tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 – 2018, với 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.
Sau hơn chục năm triển khai, dự án mới chỉ thực hiện được một số hạng mục như nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, hội trường, trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ và trồng hơn 10ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa.
Với những hạng mục kể trên, chủ đầu tư cho biết giá trị đầu tư vào dự án này đã lên tới 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng nguồn vốn đầu tư.
Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, Công ty Đại Ninh đã để xảy ra hàng loạt vi phạm liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, gây thiệt hại lớn về lâm sản.
Cụ thể, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, lấn chiếm rừng hơn 368ha (bị phá 257ha, bị lấn chiếm 111ha); dự án cũng chậm tiến độ so với chứng nhận đầu tư nhiều năm; đồng thời công ty chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước…
Liên quan dự án này, tại kết luận vào tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động của dự án và tiến hành thu hồi đất.
Sau kết luận này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án. Phía doanh nghiệp cho rằng, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra dự án đã làm việc “quá nguyên tắc”, chỉ dựa vào báo cáo của các cơ quan chức năng, chưa tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, không tạo điều kiện để doanh nghiệp giải trình… do đó đã dẫn tới kết luận thanh tra về dự án thiếu khách quan, đẩy doanh nghiệp tới nguy cơ phá sản.
Đến tháng 3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định lập tổ công tác để xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đến tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận sửa đổi một số nội dung tại kết luận hồi tháng 6/2020.
Dự án Sài Gòn Đại Ninh khiến hàng loạt quan chức bị bắt.
Trong kết luận lần này, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, công ty đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa, chức danh Chủ tịch HĐQT sang ông Nguyễn Cao Trí.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cho thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cho giãn tiến độ 24 tháng. Đẫu vậy, từ đó đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Hàng loạt quan chức bị “nhấn chìm”
Liên quan đến dự án Đại Ninh, ngày 15/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí.
Vị đại gia này có quan hệ làm ăn với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại dự án nêu trên. Sau khi bà Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo thực hiện các hoạt động nhằm chiếm đoạt tài sản của bà này.
Đến tháng 3/2023, liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng do có liên quan đến quá trình xem xét, sửa đổi kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Đến tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam điều tra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ án nhận hối lộ.
Theo cơ quan điều tra, bà Ngọc đã lợi dụng vị trí công tác làm trái chức trách, nhiệm vụ được phân công trong việc giải quyết thanh tra, khiếu nại đối với dự án Sài Gòn Đại Ninh, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước.
Bước sang những ngày đầu năm 2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an xác định ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Hành vi của ông Trần Văn Hiệp được xác định là đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”. Ngày 2/1/2024, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp về tội danh nêu trên.
Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng, đảm bảo thu hồi triệt để cho Nhà nước.
Ái Nhi“