Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng không thể trích 70% cho lực lượng cảnh sát giao thông mà phải nộp hết vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này là hợp lý.
Trên PLO ngày 15-3, chúng tôi có bài viết Đề nghị làm rõ quy định cảnh sát giao thông được trích lại 70% tiền xử phạt. Bài viết sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, chúng tôi xin tiếp tục trích dẫn những ý kiến của bạn đọc về nội dung này.
70% trích lại được sử dụng vào việc gì?
Bạn đọc Hải phong viết: Tiền phạt vi phạm hành chính giao thông và các khoản khác khi cảnh sát giao thông lập biên bản phải được nộp trực tiếp vào ngân hàng nhà nước. Còn tiền thưởng thì cũng theo chế độ của nhà nước. Các ban ngành và nhân dân khi đi làm cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, đến khi ngày lễ, năm mới, mới được nhận thưởng, nhiều hay ít thì do cơ quan quản lý đề xuất.
Bạn đọc 72902 đặt câu hỏi: Vấn đề là cần làm rõ 70% trích lại cho cảnh sát giao thông được sử dụng vào việc gì?
Bạn đọc 70067 đề nghị làm rõ vì sao phải trích 70% cho lực lượng cảnh sát giao thông. “Tiền phạt đều phải xung công quỹ nhà nước. Lực lượng thực thi pháp luật là công an đã có lương hằng tháng thì phải thực hiện nhiệm vụ mà Cơ quan phân công. Nếu việc này không rõ ràng thì lòng dân sẽ không phục”- bạn đọc 70067 viết.
Bạn đọc 59859 đề nghị xem lại câu từ: “KHÔNG THẤP HƠN 70% sẽ được hiểu như thế nào? 99% cũng là không thấp hơn 70 %? Văn bản quy phạm pháp luật cần rõ ràng, rành mạch?
Bạn đọc đề nghị làm rõ trích lại 70 % tiền vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông được sử dụng vào việc gì. Ảnh: PHI HÙNG
Bạn đọc Thanhphi Nguyen cho rằng cảnh sát giao thông đã nhận lương đã cao, mà hưởng lương thì phải làm. Nên người vi phạm nộp phạt thì phải nộp vào ngân sách nhà nước mới đúng. Đã có 44 bạn đọc đồng ý với ý kiến này.
Đồng quan điểm, bạn đọc Nhatlinhcld94 cho rằng lương đã cao rồi còn hưởng thêm phần này nữa là quá vô lý, phải nộp ngân sách nhà nước hết mới đúng.
Bạn đọc 81071 cũng đề nghị nộp hết về ngân sách nhà nước tránh tình trạng lạm dụng để làm mục đích kinh tế và làm sai lệch về chức năng, nhiệm vụ ngành cảnh sát giao thông.
“Cần tuân theo luật ngân sách và luật đầu tư công không thể đứng ngoài vòng luật pháp được”- bạn đọc 88356 viết.
Tại sao cứ phạm luật để bị phạt?
Bên cạnh luồng ý kiến chưa đồng tình thì cũng có bạn đọc ủng hộ đề xuất này.
Bạn đọc 50361 viết: Tôi tán thành dự thảo về việc tăng tỷ lệ trích lại tiền xử phạt vi phạm luật và đấu giá biển số.
Tại sao người ta cứ phạm luật để bị phạt? Tại sao người ta cứ tranh nhau biển số đẹp? Đó chẳng phải là vấn đề mà Chính phủ và xã hội cần quan tâm xem xét, đánh giá và tìm ra giải pháp để giải quyết triệt để nhất?
Còn về vấn đề cảnh sát giao thông xử lý chi tiêu khoản trích lại như thế nào cũng còn có quy định của luật, đâu phải chỉ để bồi dưỡng cá nhân của lực lượng cảnh sát giao thông.
Thiệt hại trực tiếp về vật chất trong thu nhập quốc gia là phá hỏng cơ sở hạ tầng giao thông do vi phạm luật lệ còn rất lớn (như lấn chiếm hành lang giao thông, xe quá tải quá khổ phá hoại công trình, đường đi, cầu cống…, tai nạn giao thông chết người, hủy hoại tài sản… ,).
Thiệt gián tiếp đối với thu nhập quốc gia là hạn chế tăng trưởng kinh tế do ý thức luật pháp của toàn dân chưa cao như việc vẫn cố ý vi phạm luật giao thông, việc truy cầu biển số đẹp?
Bạn đọc Suncovn2016 cho rằng tích % càng nhiều thì hiệu quả bắt xe, xử phạt càng cao.
LAN THY“