Hai đối tượng Trang (sinh năm 2000) và Linh (sinh năm 2001) đã chiếm đoạt được tổng cộng 250 triệu đồng sau 7 vụ lừa đảo.
Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, hai đối tượng trên vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Lạc bắt giữ.
Cụ thể, đối tượng Bùi Thị Trang, sinh năm 2000, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và Nguyễn Thu Linh, sinh năm 2001, ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã bị lực lượng chức năng bắt giữ để điều tra làm rõ hành vi cấu kết với nhau làm giả tin nhắn của ngân hàng, để thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt 250 triệu đồng của nhiều người.
Theo điều tra, khoảng 9h10 ngày 20/11, tại cửa hàng vàng bạc Anh Đức do ông N.L.T, ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc làm chủ có một nữ khách hàng đến hỏi mua 1 cây vàng và thống nhất thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Sau khi trao đổi nội dung mua bán, người khách này hỏi mượn điện thoại của ông N.L.T để gọi cho gia đình. Chừng 15 phút sau thì người khách thông báo cho ông N.L.T biết đã thực hiện thành công lệnh chuyển khoản thanh toán tiền mua vàng.
Sau khi kiểm tra điện thoại, ông N.L.T đọc thấy có một tin nhắn mới từ số điện thoại lưu trong danh bạ tên là “Viettinbank” (2 chữ t) thông báo tài khoản ngân hàng của ông N.L.T được cộng thêm số tiền 60 triệu đồng, nên ông N.L.T tin rằng mình đã nhận được tiền.
Ông N.L.T tận tình hỗ trợ vị nữ khách hàng nói trên chọn 1 nhẫn vuông 3 chỉ, 2 nhẫn tròn mỗi nhẫn 1 chỉ, 1 dây chuyền 5 chỉ loại vàng 9999. Vị nữ khách hàng nhận số vàng ông chủ tiệm trao rồi nhanh chóng điều khiển xe máy rời đi khỏi cửa hàng.
Không may là sau khi vị khách đã rời đi, ông N.L.T mới đăng nhập tài khoản ngân hàng để kiểm tra thì đã muộn. Lúc này, ông T mới nhận ra thực tế không có khoản tiền nào được chuyển đến tài khoản. Biết rằng đã gặp phải đối tượng lừa đảo, ông N.L.T đã đến cơ quan công an trình báo.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc đã tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức điều tra truy xét. Sau 2 ngày từ khi nhận được tin báo đã xác định đối tượng Bùi Thị Trang và Nguyễn Thu Linh.
Ngày 24/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc đã tiến hành bắt giữ 2 đối tượng Trang và Linh, thu giữ tang vật gồm 2 xe mô tô gắn biển số giả, 2 điện thoại di động, 1 dây chuyền vàng và các tang vật có liên quan khác.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã cùng thống nhất kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Trang trực tiếp đến tiệm vàng Anh Đức hỏi mua vàng, rồi mượn điện thoại của ông N.L.T để lấy thông tin tài khoản ngân hàng. Trang cũng lưu số điện thoại do Linh cung cấp vào danh bạ điện thoại của ông N.L.T với tên “Viettinbank”.
Sau đó, Trang báo cho Linh để Linh soạn tin nhắn giả danh ngân hàng gửi đến điện thoại của ông N.L.T với nội dung biến động số dư tài khoản cộng thêm 60 triệu đồng. Sau khi nhận điện thoại từ Trang trả lại, kiểm tra thấy có tin nhắn mới chuyển đến thông báo số tiền nhận được, ông N.L.T đã tin tưởng và giao vàng cho Trang.
Công an huyện Yên Lạc xác định, từ tháng 9/2023 đến nay, cùng “kịch bản” như trên Trang và Linh đã thực hiện 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tổng trị giá 250 triệu đồng. Trong đó có 2 vụ ở địa bàn thị trấn Tam Hồng, Yên Lạc và 5 vụ trên địa bàn TP Hà Nội. Số tiền lừa đảo chiếm đoạt được, Trang và Linh chia nhau tiêu xài cá nhân. Công an huyện Yên Lạc đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Trò lừa đảo giả mạo ngân hàng, giả mạo biên lai chuyển tiền ngày càng phổ biến
Khi phương thức chuyển khoản, thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến, thì cũng xuất hiện những chiêu trò làm giả biên lai chuyển tiền thành công của các ngân hàng (hay còn gọi là bill thanh toán) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bán.
Đối với chiêu trò giả mạo ngân hàng, giả mạo biên lai chuyển tiền, người dân cần lưu ý các dấu hiệu nhận diện sau đây:
– Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng giá trị cao. Thậm chí sau đó, đối tượng có thể còn vay thêm tiền mặt của nạn nhân rồi chuyển khoản trả.
– Các đối tượng thường đề nghị chuyển khoản cho người bán hàng. Nhưng thực chất là không có việc chuyển tiền thật, mà các đối tượng đã dùng thủ đoạn tạo dựng hóa đơn thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã tẩu thoát.
Để tránh trở thành nạn nhân, cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dân, nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp thông tin đã chuyển khoản thành công.
Ngoài ra, với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ tin nhắn, từ ứng dụng ngân hàng, và kiểm tra thật kỹ thông tin (tên ngân hàng, tên người nhận, số tiền….).
Đọc thêm
-
Tận mắt thấy thông báo chuyển khoản thành công nhưng mãi không nhận được tiền, trò lừa đảo khó phát hiện, nhận ra thì đã muộn
-
Cảnh giác cuộc gọi có khả năng làm “bốc hơi” hàng chục triệu đồng trong tài khoản
-
Bất ngờ nhận được một bưu kiện quà, người đàn ông mất luôn hơn 100 triệu đồng theo cách không tưởng: Cảnh sát ra cảnh báo khẩn khi có đến 30 nạn nhân “sập bẫy” với số tiền 2,7 tỷ đồng