Dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày, ông Cao Văn Long (81 tuổi, ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn lỉnh kỉnh đồ đạc đi vá đường, giúp người dân đi lại an toàn.
10 năm miệt mài
“Thấy ông Long già cả, những tưởng đi vá đường cho vui vài ba năm rồi thôi. Ấy vậy mà, ngót nghét cũng đã 10 năm, đến nay ông vẫn miệt mài”, anh Dương Trần Duy (37 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên) nói.
Nguyên vật liệu ông Long vá đường là những mảng nhựa đường bị bỏ đi được ông chế biến lại.
Hình ảnh cụ già với đôi tay chai sần hốt từng nắm bê tông nhựa rải xuống chỗ đường bị bong tróc, sau đó dùng dao cào bằng rồi lấy đá nện chặt lại… từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân ở Long Xuyên suốt 10 năm qua.
Tại căn nhà ông ở, khoảng trước sân được dùng làm nơi để bê tông nhựa, đá, dụng cụ vá đường và chiếc xe đạp cũ kỹ, hằng ngày ông sử dụng đi vá đường.
“Đi vá đường không phải do mình rảnh rỗi mà vì trước đây thấy đường bị hư hỏng, người dân lưu thông thiếu an toàn nên từ đó tôi nảy sinh ý định vá đường cho bà con đi lại được dễ dàng”, ông Long cho biết.
Ông nói thêm, nhà ông không khá giả vì cả đời làm nông, nhưng may mắn là ba đứa con đều được nuôi nấng nên người, có việc làm ổn định.
“Lớn tuổi ở nhà hoài cũng chán nên tôi đi vá đường, vừa có ích cho xã hội, vừa vận động để tăng cường sức khỏe”, ông chia sẻ.
Rồi trong lần đi ngang một cây cầu ở Long Xuyên, thấy công nhân ủi bỏ phần bê tông nhựa bị bong tróc, ông tiếc và nảy ra ý định xin về vá các “ổ gà” của con hẻm gần nhà.
Sau khi xin được phần bê tông nhựa, ông mang đến đổ vào những nơi bong tróc nhưng rồi vài hôm sau những chỗ đó lại hỏng như cũ.
Phương pháp thực hiện chưa đúng nên nhiều lúc ông chán nản, định bỏ cuộc. Nhưng khi thấy đường, hẻm hư hỏng, bà con đi lại khó khăn, ông quyết tâm làm cho bằng được.
Sau nhiều đêm suy nghĩ rồi thử, cuối cùng quy trình thảm nhựa ngược được ông cho ra đời và đến nay vẫn tâm đắc. Đó là cho dầu lửa vào ủ 4-5 tiếng thì chúng chảy ra.
Khi vá, cần làm sạch bụi bám chỗ cần vá, cho ít dầu lên rồi thảm nhựa, dùng vật nặng lèn. Cứ thế, nắng nóng nhựa sẽ kết dính bền chặt như cũ.
“Tôi cũng từng thử vá bằng bê tông nhưng chẳng bao lâu lại hư, phải tìm vật liệu gì đó làm cho bền hơn.
Các tuyến đường chính dùng bê tông nhựa nóng thảm rất bền nhưng làm sao đủ tiền mua. Vậy là phải xử lý phần bê tông nhựa tưởng bỏ đi bằng cách làm tan chảy rồi thảm trở lại”, ông kể.
Nói thì đơn giản nhưng khi làm thì mới là cả vấn đề. Bởi những ngày đầu đi làm, ông phải tìm phế phẩm bê tông nhựa đường rất gian nan. Ở đâu có cắt đường dỡ bỏ bề mặt bê tông nhựa và cả những công trình mới còn dư, ông đều tìm đến xin về dự trữ.
“Dầu lửa và độ nóng của ánh mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, sau đó giúp chúng kết dính với nhau. Xe chạy ngang qua càng làm chúng bị nén lại, chắc chắn hơn. Vài giờ sau, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn trước, không còn sợ xe vấp “ổ gà” nữa”, ông Long chia sẻ.
Vẫn chưa muốn dừng lại
Vất vả vậy mà chục năm qua, trừ ngày mưa, ông dùng quãng thời gian rảnh rỗi của mình vào việc xóa “ổ gà”.
Lúc đầu, ông vá những con đường quanh khu vực mình ở, sau đó mở rộng dần phạm vi hoạt động, giúp nhiều tuyến đường, hẻm ở thành phố Long Xuyên trở nên phẳng phiu, sạch đẹp.
10 năm qua, ông Long với chiếc xe đạp rong ruổi đi vá đường nhiều nơi trên địa bàn thành phố Long Xuyên.
Bà Lâm Hồng Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên cho biết, với việc làm ý nghĩa như vậy, thời gian qua, ông Long luôn được quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nguyên vật liệu trong quá trình làm việc. Bản thân ông cũng đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen từ địa phương đến Trung ương.
“Việc làm của ông Long là việc làm rất có ích và ông luôn là tấm gương sáng của cộng đồng. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông tiếp tục làm công việc của mình”, bà Ngọc cho biết thêm.
Ông Trương Khiết Quang, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá: “Thật ra không phải mới đây, mà từ nhiều năm trước ông Long đã đi vá đường và việc làm của ông có nhiều đóng góp thiết thực vào việc đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Ông Long là tấm gương sáng khi lặng lẽ, miệt mài đi vá đường bằng sức của mình.
Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục có những đề xuất khen thưởng để ông Long có thêm động lực, làm việc có ích cho xã hội”.
Ông Long cho hay, đến giờ ông chỉ có ước muốn duy nhất là có sức khỏe để tiếp tục làm công việc vá đường như trong suốt 10 năm qua.
Hương Ngân“