Cô Hằng cho biết học sinh có hành vi “chống đối trong giờ học” từ hai tháng trước, còn phụ huynh nói không bênh nhưng cũng tố cô đánh con mình.
Trả lời VnExpress tại nhà riêng, 8 ngày sau khi bị học sinh nhốt trong lớp, chửi bậy và ném đồ vào người, cô Hằng, 38 tuổi, cho biết “không có khúc mắc gì với học sinh”. Theo cô Hằng, trong tiết học Âm nhạc hôm 29/11, học sinh không thực hiện đúng nội quy và nhiệm vụ của mình. Đã vào giờ học nhưng các em tự do đi lại, mở nhạc rồi nhảy trên bục giảng. Cô Hằng nhắc nhở không được nên đã rút nguồn điện của TV. Một học sinh sau đó lại lên cắm vào, mở nhạc, hò reo.
“Tóm lại là học sinh không học, nổi loạn”, cô Hằng nói, cho biết sau đó bị dồn vào góc tường như đoạn video dài gần hai phút ghi lại.
“Các em còn quây tôi vào bàn giáo viên, cầm mũ và áo rét, phe phẩy trước mặt, muốn trùm lên đầu tôi. Có bạn còn cầm thước kẻ, chống xuống đất và dọa nạt”, cô Hằng kể.
Cô Hằng sau đó sang lớp 6A dạy tiết 4. Hết tiết học, một số học sinh 7C kéo sang, nhét rác vào cặp cô. Khi cô từ bục giảng đi về phía cửa lớp, nhóm học sinh ném giấy và dép.
“Tôi thấy choáng quá nên ngất”, cô Hằng nói.
Giải thích về video cầm guốc đuổi học sinh, cô Hằng cho biết sau khi tỉnh dậy, cô nhắc giải tán nhưng các em không nghe. Một số em đã “trêu ngươi, khiêu khích” nên cô xách đôi giày lên để dọa học sinh, chứ không đánh ai.
“Từ cuối học kỳ II năm học trước, một số em lớp 7C, khi đó là 6C, bắt đầu có biểu hiện không tôn trọng giáo viên. Còn tình trạng chống đối, không học, ném dép trong giờ của tôi diễn ra khoảng hai tháng gần đây”, cô Hằng nói, cho biết đã nhiều lần báo cáo hiệu trưởng nhưng không được giải quyết.
Cô Hằng, trường THCS Văn Phú, kể lại sự việc ngày 29/11
Chị Hương, mẹ của nam sinh lớp 7C, người mặc áo đen và cầm ghế inox đánh cô giáo, nói không bênh khi “con láo, học sinh nhốn nháo” như vậy. Chị và gia đình sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức kỷ luật, kể cả bị nghỉ học. Song chị cho rằng sự việc cần nhìn từ hai phía và đặt câu hỏi tại sao học sinh lại có phản ứng như vậy với giáo viên.
Chị Hương cho biết trước sự việc, con trai chị không có mâu thuẫn với cô Hằng. Nhưng trong lúc cô giáo cầm guốc vung loạn xạ, đuổi đánh học sinh, con trai chị Hương bị đánh hai nhát vào lưng, một ở bàn tay.
“Cô giáo đánh thì cháu mới phản kháng như vậy”, chị Hương nói, thêm rằng đã đưa con tới trạm y tế xã Văn Phú để kiểm tra ngay trong ngày 29/11, kết quả “vết thương phần mềm bàn tay trái, bờ vai hai bên”.
Theo phụ huynh, chị đã làm đơn phản ánh sự việc tới hiệu trường, chủ tịch và công an xã Văn Phú. Chị Hương nói “cảm thấy bức xúc” vì trường không trao đổi lại gì sau sự việc.
“Theo lương tâm tôi, cô Hằng cần phải chuyển khỏi trường THCS Văn Phú. Nếu không, còn rất nhiều con em chịu ảnh hưởng sau này”, chị nói.
Lưng con trai chị Hương có hai vết bầm, chị tố do cô Hằng dùng guốc đánh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Ngoài chị Hương, một số phụ huynh cho hay từng làm đơn kiến nghị hồi tháng 10, phản ánh về hành vi và đạo đức của cô Hằng. Hiệu trưởng Nguyễn Duy Sáng xác nhận, nói nhận đơn của hai phụ huynh, trong đó một người gửi cả đơn ra UBND huyện. Sau lá đơn này, trường THCS Văn Phú lắp camera tại các lớp học.
Ông Sáng đánh giá chuyên môn của cô Hằng “vừa phải”. Sự việc ngày 29/11 diễn ra khi ông không có mặt tại trường vì đi nộp báo cáo.
“Lúc cuối giờ, thấy cô Hằng xuống phòng, nói vẫn bình thường rồi ra về, sức khỏe tốt. Hôm sau, tôi không thấy cô đến lớp mới gọi điện thì cô nói bị ốm, xin phép nghỉ. Tới chiều cùng ngày, cô mới gửi đơn phản ánh sự việc”, ông Sáng cho biết.
Về tính cách, ứng xử với đồng nghiệp, học sinh của cô Hằng, ông Sáng nói không chia sẻ vì các cơ quan chức năng đang làm việc.
Theo quyết định của UBND huyện Sơn Dương, ông Sáng bị đình chỉ công việc và chức vụ 15 ngày, tính từ 7/12 để phục vụ việc điều tra.
Cô Hằng mong muốn sự việc được giải quyết rõ ràng giữa ba bên nhà trường, giáo viên và gia đình học sinh, “ai sai người đó chịu”. Cô nói sẵn sàng chấp nhận nếu cơ quan chức năng xác định cô có lỗi và đình chỉ công tác.
Còn với học sinh, cô giáo nhìn nhận các em còn bé, chưa đến tuổi đi trường giáo dưỡng, để nghỉ học ở nhà lại càng không nên vì có thể sa ngã vào các tệ nạn.
“Nếu cơ quan chức năng nhẹ tay, tha thứ cho học sinh thì tôi cũng tha thứ, không căng thẳng làm gì”, cô Hằng nói.
Sau sự việc, cô giáo cho biết “không xấu hổ hay nhục nhã và không làm gì sai, nhưng thấy buồn”, “vẫn sợ” khi vào lớp 7C. Có tiết dạy hôm thứ hai, cô Hằng nói lớp 7C cơ bản ngoan, nhưng một số học sinh vẫn nghịch.
“Có thể tôi sẽ làm đơn xin chuyển trường”, cô Hằng nói.
Cô Hằng chia sẻ quan điểm về việc xử lý học sinh
Ba ngày qua, sự việc cô giáo tại Tuyên Quang bị học sinh nhốt trong lớp, chửi bới, nhét rác và ném đồ vào người thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo UBND huyện Sơn Dương, sự việc diễn ra lúc 10h30 sáng 29/11. Khi bắt đầu tiết Âm nhạc ở lớp 7C, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô Hằng không đồng ý. Sau đó, giữa giáo viên và học sinh “xảy ra khúc mắc”. Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang, nói tục, xúc phạm, quay video đăng lên Facebook.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc học sinh nhốt cô giáo trong lớp, chửi bới và ném đồ vào người cô là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hôm 6/12 nhìn nhận sự việc “rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”, nhưng nhấn mạnh cần đánh giá khách quan, thấu đáo để tìm giải pháp phù hợp.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục học sinh, thực hiện nghiêm kỷ cương trường học, theo phương châm “Thầy ra thầy, trò ra trò”. Các cấp công đoàn cần có biện pháp bảo vệ danh dự, tính mạng của nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả trước 29/12.