Một trong những đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi Bộ GTVT về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đoạn qua TP.HCM là đặt ga đầu mối ở Thủ Thiêm.
Đề xuất ga Thủ Thiêm là ga đầu mối của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hướng tuyến đường sắt đoạn qua TP này được đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản phù hợp với quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025.
Về vị trí và quy mô nhà ga, trạm bảo dưỡng kỹ thuật,… Sở này thống nhất đề xuất vị trí ga Thủ Thiêm là ga đầu mối đường sắt. Ga này sẽ đón, trả khách thuộc tàu khách Bắc – Nam và là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Vị trí dự kiến xây dựng ga đầu mối Thủ Thiêm. Ảnh: Google Earth
Vì vậy Sở đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm như một trong những ga đường sắt trung tâm của TP.HCM cho cả đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (trong đó có tổ chức kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM giai đoạn 2, tuyến Bến Thành – Thủ Thiêm).
Sở này cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các tư vấn phối hợp xây dựng rõ các tiêu chí của từng phương án vị trí depot để có căn cứ tốt nhất và đề xuất chính thức trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, trong đó ga Thủ Thiêm dự kiến có tổng diện tích khoảng 17,2 ha, là ga đầu mối đường sắt xây dựng mới khổ 1.435 mm và có nhiệm vụ đón, trả hành khách lên, xuống, đón, xuất phát tàu khách Bắc – Nam.
Khu vực quy hoạch nằm ngay đầu đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Lao Động
Vị trí khu vực dự kiến quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm nằm giữa đại lộ Mai Chí Thọ (đường trục xương sống của KĐT Thủ Thiêm) và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức).
Cùng với vị trí quy hoạch nhà ga tại Thủ Thiêm, depot Long Trường đã được quy hoạch tại phường Long Trường, quận 9 cho tuyến đường sắt TPHCM – Nha Trang (trong phạm vi nghiên cứu đường sắt khu đầu mối). Vị trí depot được quy hoạch nằm gần nút giao đường cao tốc Long Thành – Giầu Dây và đường Vành đai 3.
Bán đảo tỷ đô ở TP HCM có gì?
Bán đảo Thủ Thiêm sở hữu mảnh đất bên sông hiếm hoi giữa trung tâm TP.HCM. Vùng đất này hiện đang bứt phá, trở thành trung tâm mới sầm uất thịnh vượng giữa lòng “hòn ngọc Viễn Đông”.
Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố và là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.
Dự án ga đường sắt này nằm giữa vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm, xung quanh được bao bọc bởi nhiều khu đô thị với những toà chung cư, khu căn hộ. Ảnh: Phùng Tiên
Vào tháng 12/2021, giá đất Thủ Thiêm từng được đẩy lên mức cao kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2 khiến khu vực này được gọi tên là “bán đảo tỷ đô” của TP.HCM.
Bán đảo Thủ Thiêm hiện được quy hoạch hoàn chỉnh với hạ tầng giao thông được đầu tư trọng điểm. Có 4 tuyến đường chính: đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam.
Về mặt giao thông, khu vực dự kiến đặt nhà ga nằm ngay đầu đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành, cạnh dự án xây dựng nút giao thông An Phú gần 4.000 tỷ đồng đang được triển khai.
Phần lớn diện tích dự kiến xây dựng nhà ga Thủ Thiêm là đất trống rộng với vùng đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Phùng Tiên
Về phát triển đô thị, dự án ga đường sắt này nằm giữa vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm, xung quanh được bao bọc bởi nhiều tòa chung cư, khu căn hộ dân cư đông đúc.
Vị trí ga “đầu não” tại TP. HCM đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với các hệ thống giao thông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và của TP.HCM.
Khu vực quảng trường ga đường sắt tốc độ cao Thủ Thiêm là không gian xây dựng các điểm dừng xe buýt, bãi đỗ taxi, nhà ga của tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2), kết nối quảng trường ga với trục Đông – Tây (đại lộ Mai Chí Thọ) vào trung tâm TP. HCM qua hầm Thủ Thiêm. Đồng thời, khu vực xung quanh quảng trường ga được quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hướng tuyến như trên đã đảm bảo kết nối hướng tuyến các địa phương liền kề (Đồng Nai ở phía bắc); hạn chế ảnh hưởng tới các công trình hiện hữu, bám sát để đi về vị trí ga được lựa chọn.
Một khi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hoàn thành với nhà ga chính đặt ở Thủ Thiêm, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện với chuỗi liên kết hoàn chỉnh giữa các tuyến đường tại khu vực này được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật cho thành phố hơn 10 triệu dân.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc – Nam” và đặt mục tiêu đến năm 2025 phần đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm.
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho “Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam” mới nhất do Bộ GTVT phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tổ chức đầu tháng 11, Bộ GTVT đã trình bày dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trước khi trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét.
Kịch bản dự thảo đề xuất 3 phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư từ 68,9 tỷ đô đến trên 70 tỷ đô. Trong kịch bản cũng tiết lộ 5 lý do cấp thiết cần phải xây dựng sớm dự án đường sắt tốc độ cao ở nước ta