Theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, số tiền được vận chuyển tiền từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu USD.
Quyền lực của bà Trương Mỹ Lan trong hệ thống ngân hàng SCB
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03), đề nghị truy tố về 3 tội danh: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.
VnExpress dẫn kết luận điều tra nêu rõ, dù không nắm giữ chức vụ gì nhưng bà Lan mới là “chủ thực sự”, có quyền lực cao nhất, chi phối mọi hoạt động của nhà băng này. SCB được bà Lan sử dụng như một “công cụ tài chính” để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho hệ sinh thái của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt.
Khi cần tiền, bà Lan chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp với cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Quy trình giải ngân tiền của SCB cho bà Lan là rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Tiền xuất khỏi ngân hàng, nữ chủ tịch sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển từ công ty được giải ngân sang các pháp nhân, cá nhân “ma” mở tài khoản tại SCB. Khi cần sử dụng, bà Lan yêu cầu “chuyển tiền lòng vòng” trong các công ty chân rết do Vạn Thịnh Phát quản lý để tránh bị kiểm toán.
Trường hợp cần tiền mặt, bà Lan gài pháp nhân “ma” vào hồ sơ vay vốn để hợp thức hóa. Thế nhưng, thay vì chuyển khoản, bà chỉ đạo nhân viên rút trực tiếp tiền mặt. Phần lớn tiền được rút ra từ SCB chi nhánh Sài Gòn, một trong những chi nhánh lớn.
Bí ẩn những chuyến xe chở tiền về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của bà Trương Mỹ Lan
Theo cơ quan điều tra, điểm chung là bà Lan thường ra yêu cầu cần gấp tiền mặt, phải đáp ứng ngay. Khi nhận lệnh từ nữ chủ tịch, lãnh đạo SCB sẽ chia nhau tìm cách đáp ứng. Tiền chủ yếu lấy từ nguồn khoản vay tín dụng hoặc phát hành trái phiếu.
Tiền mặt xuất khỏi nhà băng sẽ đưa cho Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) để dùng ôtô chở về nhà riêng của nữ chủ tịch ở tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Tiền sau đó do Dũng hoặc Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) chuyển đến các địa chỉ khác nhau do nữ chủ tịch chỉ đạo. Dũng và Uyên không được phép ghi chép, lưu giữ về lai lịch, địa chỉ người nhận tiền.
Báo Tuổi trẻ dẫn kết luận điều tra xác định, từ sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên cho thấy, từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, Dũng đã vận chuyển tiền từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu USD.
Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát – kết luận nêu.
Bí mật về ký hiệu “HSTT”
Bị can Bùi Anh Dũng. Ảnh: SCB.
Báo Dân trí dẫn lời lời khai của ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) cho biết, các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều có điểm chung là chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền theo chỉ đạo của bà Lan.
Thực tế, các đơn vị tại SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn.
“Các khoản cho vay đối với nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan, trên hệ thống dữ liệu “Core Banking” của Ngân hàng SCB được tạo thêm trường dữ liệu ký hiệu là “HSTT”, để ghi chú khách hàng, phục vụ việc theo dõi, thống kê và phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình cho vay thông thường”, kết luận điều tra nêu.
Về ký hiệu “HSTT”, lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho biết, nghĩa là “Hội sở tiếp thị”.
Theo Văn, để tránh sự kiểm tra giám sát hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB, bà Lan chỉ đạo thành lập các đơn vị cho vay mới tại Hội sở SCB để giải quyết các khoản vay theo yêu cầu của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.