Với vẻ bề ngoài già cả, đáng thương, thực tế hoàn cảnh của nhóm người vô gia cư ra sao? Những món quà từ thiện sau khi trao tay sẽ được sử dụng như thế nào?
Tối ngày 22/1, bản tin Chuyển động 24h lên sóng với tiêu đề “Tái diễn tình trạng người vô gia cư giả” đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên của nhà đài đã có mặt tại góc phố Hàng Đậu, Hà Nội vào khoảng nửa đêm, thời tiết lúc này rét buốt. Theo quan sát, rất đông nhóm người tự nhận vô cư gia cư đang nằm, ngồi la liệt kín các vỉa hè, chờ đợi đoàn từ thiện qua đây để lấy quà.
Những chiếc xe máy LX, Honda, Lead… được giấu sau bốt điện, khi không còn chỗ, họ để luôn trên vỉa hè.
Xe máy của người vô gia cư giả để trên vỉa hè
Phóng viên bắt gặp gương mặt quen thuộc của một người phụ nữ bị đau chân xuất hiện trong phóng sự VTV năm ngoái. Thế nhưng khi thấy có đoàn xe máy tới phát quà từ thiện, chị lại nhanh chóng bật dậy, chạy như bay tới lấy quà.
“- Cô ơi cô có con không?
– Cô không có con. Tất cả các bạn ở đây biết hết. Cô còn mới bị tai nạn đây, 3 nhát ở trên đầu” – người phụ nữ 68 tuổi chỉ vào vết thương khi có bất cứ ai tới hỏi.
Nhóm người vô gia cư giả ngồi la liệt trên vỉa hè Hà Nội
Ở một góc khác, có một cụ ông đang ngồi ăn cháo, phóng viên đã nhận ra và tới hỏi: “Con nhìn ông quen lắm, hình như năm ngoái ông lên tivi rồi đúng không? Hôm đó con thấy ông đưa cả chứng minh thư ra, ông có nhà ở Hà Nội mà?”.
Cụ ông này trả lời rằng đó là nhà của họ hàng, và năm ngoái cụ “bị bắt nhầm”.
Phóng viên nhận ra cụ ông trong phóng sự năm ngoái
Tại buổi phát quà từ thiện của một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội, ngoài những phần quà như chăn màn, áo ấm, thuốc men, còn có nhiều suất đồ ăn dành cho người vô gia cư trong đêm đông giá rét. Tuy nhiên người trong nhóm thiện nguyện luôn phải dặn: “Anh ơi anh ăn cháo đi ạ”.
Tay cầm hộp cháo, nhưng sau khi đoàn từ thiện rời đi, nhóm người vô gia cư lại bỏ túi đồ ăn ngổn ngang trên vỉa hè. Phóng viên cầm một hộp cơm còn nguyên được đặt trên bốt điện, bên trong thức ăn vẫn nóng hổi, có bí đỏ, giò, chả, cơm rang.
Không chỉ cơm, cháo bị bỏ lại, quần áo cũ sau khi được trao tặng cũng bị vứt thành đống. Họ chỉ nhận bánh mì, sữa, nước đóng chai, chăn màn, quần áo mới, vì những món đồ này có thể gom lại bán cho các cửa hàng tạp hóa kiếm lời.
Hộp cơm bị vứt bỏ lại vỉa hè, kiến bâu kín
Quần áo vứt la liệt một góc
Để có thể hành nghề vô gia cư, yếu tố quan trọng nhất là ngoại hình, càng già cả, trông càng khổ sở, lại càng có nhiều quà. Chính vì vậy, những người vô gia cư giả ở đây cũng thường bóc phốt lẫn nhau khi “đồng nghiệp” nhận được nhiều quà hơn mình.
2h đêm, sau khi tranh cãi, mắng chửi, giành giật nhau xong, họ lại lên xe, ai về nhà nấy với túi quà nặng trĩu. Đoạn vỉa hè của Thủ đô lúc này lại vắng vẻ, không một bóng người.
“Cứ đóng giả nghèo giả khổ, ai nhìn mà chả thương. 10 người cho 10 suất cơm thì bà ấy ăn hết 10 suất không? Người nào cũng thương bà già. Trông thế thôi, không khổ đâu các cháu ạ”, một người phụ nữ nói với phóng viên.
Để kiểm chứng, phóng viên đã bí mật đi theo một người vô gia cư sau khi lấy đầy một xe quà. Đi vòng vèo qua vài con phố, điểm đến của cụ bà này là một căn nhà 3 tầng, rộng hơn 100m2 nằm trên mặt phố Tô Hiến Thành. Theo những người dân địa phương, giá trị của căn nhà này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Người phụ nữ này trở về căn nhà 3 tầng sau khi đã nhận đủ quà từ thiện
BTV Sơn Lâm cho biết trong phóng sự, hầu hết những người vô gia cư giả đều đã bị đưa về trụ sở công an phường vào thời điểm này năm ngoái và ký cam kết không tái phạm. Nhưng có lẽ không dễ gì họ từ bỏ công việc hái ra tiền. Bởi nếu khéo xin, khéo chọn lựa những món quà đáng tiền, mỗi đêm thu nhập của 1 người cũng xấp xỉ cả triệu đồng.