Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra về số lượng lớn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô khi các đối tượng sử dụng những phiếu này để ‘phù phép’ xe gian thành mô tô mới lừa bán cho người dân.
Cơ quan CSĐT Công an vẫn đang mở rộng điều tra về ổ nhóm chuyên “hóa kiếp” xe gian thành xe mới để lừa bán cho người dân ở nhiều tỉnh, thành. Nhóm này do Bùi Văn Tân (40 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, là chủ hệ thống cửa hàng xe gắn máy Tân Tiến) cầm đầu.
Bùi Văn Tân – chủ hệ thống cửa hàng xe gắn máy, là kẻ cầm đầu đường dây “hóa kiếp” hàng ngàn xe gian, lừa bán cho người dân khắp các tỉnh thành. Ảnh: CA
Một điều tra viên cho hay, đây là phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới. Trước đây, xe gian, có nguồn gốc từ các vụ trộm, cướp hình sự… sẽ bị các đối tượng “rã” ra để bán lẻ từng món phụ tùng hay chuyển qua biên giới tiêu thụ thì nay các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp hơn, hình thành đường dây quy mô lớn và có thủ đoạn “hóa kiếp” xe gian thành xe “lướt”, xe mới một cách tinh vi, nhằm dối khách hàng.
Cơ quan CSĐT cho biết, vụ án này được phát hiện bởi lực lượng Công an TP.HCM khi phối hợp cùng Cục CSGT (C08) – Bộ Công an thông qua công tác đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy theo chức năng. Từ nghi vấn một số xe mài, đục số khung, số sườn, lực lượng công an điều tra phát hiện nguồn gốc bán ra các xe là tại các cửa hàng Tân Tiến do Tân làm chủ.
Từ đó, công an đã khám phá ra đường dây tội phạm tinh vi. Qua khám xét, công an đã thu giữ 290 xe mô tô, trong đó có 142 xe đã “hóa kiếp” xong, đang chờ bán, 1 xe mô tô được xác định là mất trộm từ 7 năm trước và hơn 10.000 phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô của các hãng.
Công an làm rõ, Tân cùng đồng bọn tìm mua xe giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không giấy tờ… từ các trang rao vặt trên mạng xã hội, từ các tiệm cầm đồ…
Tân đã mua sẵn lượng lớn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô, với giá 500 – 1 triệu đồng/phiếu. Xe gian mua được Tân giao đến cửa hàng sửa xe Phát Đạt (ở huyện Bình Chánh) do Nguyễn Hữu Oai và Nguyễn Hữu Như làm chủ, để thuê mài, đục số khung, số máy mới cho trùng khớp với số khung, số máy trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô. Công đoạn đục, mài này, Tân trả công cho Oai, Như 1 triệu đồng/xe.
Bước tiếp theo, Tân mang xe về các cửa hàng Tân Tiến 1 và Tân Tiến 2 của mình, giao cho nhân viên kỹ thuật để tân trang thành xe “lướt”, xe mới rồi bán lại cho khách hàng.
Khách hàng mua xe bị lừa như thế nào?
Từ các cửa hàng xe gắn máy của Tân và một số cửa hàng khác, các xe “hóa kiếp” được chào bán cho khách hàng với cam kết bảo đảm đăng ký xe. Lòng tin của chúng tạo dựng cho khách hàng là các phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô. Sau đó, Tân móc nối với các đối tượng môi giới để làm dịch vụ đăng ký xe mô tô.
Hàng ngàn xe gian được “hóa kiếp”để bán lại cho khách hàng, xe mới. Ảnh: CA
Như vậy, khách hàng mua và sử dụng ngỡ là xe hợp pháp. Và trong công đoạn đăng ký xe, cơ quan điều tra cần làm rõ là nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng hay có sự tiếp tay? Hay, lượng lớn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô của các hãng được tuồn bán như thế nào?
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, từ năm 2021 đến năm 2023, Tân và đồng bọn đã bán ra 3.911 xe mô tô cho người dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, chúng đã bán ra 1.549 xe mô tô, thu lợi bất chính khoảng 15 tỷ đồng.
Từ cơ sở điều tra ban đầu, cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Văn Tân và 8 đồng bọn khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự. Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ dấu hiệu lừa dối khách hàng, chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và các hành vi khác.
Cơ quan CSĐT cũng đang mở rộng, làm rõ về toàn bộ quá trình các đối tượng “hóa kiếp”, đăng ký xe gian thành xe như hợp pháp để lừa bán ra thị trường, truy nguyên nguồn gốc xe mô tô đã được bán ra để xử lý triệt để các hành vi sai phạm.
Đàm Đệ “