Sự thật đằng sau vụ tranh chấp tài sản của cặp cha con Trung Quốc này khiến nhiều người bất ngờ.
Sự việc này đã xảy ra năm 2021 ở Trung Quốc, thế nhưng thời gian gần đây bỗng được nhắc lại và trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng nước này.
Theo Toutiao, một ông cụ họ Lý ở quận Phổ Đà, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc có ý định mua 1 căn nhà trị giá 560.000 NDT (1,9 tỷ đồng) ở Thặng Châu, tỉnh Chiết Giang để ổn định cuộc sống và yên tâm nghỉ hưu.
Sau khi đã đặt cọc cho đối phương khoản tiền 20.000 NDT (6,8 triệu đồng), ông Lý đã nhờ con gái cùng mình đi ký hợp đồng mua nhà và giao trước số tiền 390.000 NDT ( hơn 1,3 tỷ đồng) rút từ ngân hàng cho cô. Sau đó, con gái của ông Lý cũng đã đến ngân hàng rút thêm 150.000 NDT (hơn 513 triệu đồng) còn thiếu từ tài khoản của bố mình rồi đi đến công ty bất động sản.
Vì tuổi già mắt kém, ông Lý không quên nhắc nhở con đọc kỹ các thỏa thuận có trong hợp đồng. Khi 2 bên đang hoàn thành thủ tục mua bán nhà, ông cụ thấy trên các giấy tờ ký kết chỉ có tên con gái nên đã yêu cầu con ghi thêm tên của mình. Tuy nhiên, vì con gái ông nói rằng chữ ký đó không ảnh hưởng đến việc xác định chủ sở hữu của căn nhà nên ông Lý cũng không để tâm nữa.
Ảnh minh họa: Internet
Thời gian trôi qua, trong một lần kiểm tra lại giấy tờ nhà, ông Lý phát hiện ra giấy chứng nhận nhà đất chỉ có tên con gái mình thì rất tức giận, yêu cầu con gái làm giấy chuyển nhượng tài sản cho mình. Tuy nhiên, con gái ông nhất quyết không đồng ý khiến hai bên lời qua tiếng lại nhiều lần. Vì không tìm được tiếng nói chung nên ông Lý buộc phải kiện con gái ra tòa để yêu cầu cô trả lại số tiền mua nhà và các khoản lãi.
Trước tòa án tỉnh Chiết Giang, ông Lý cho rằng việc con gái hoàn tất thủ tục mua nhà giúp mình chỉ là sự ủy thác. Trong quá trình ký kết hợp đồng, con gái ông giúp bố mình kiểm tra giấy tờ và giao dịch tiền bạc. Ông cụ khẳng định bản thân không hề ủy quyền cho con mình đứng tên tài sản nên con gái ông không có quyền ghi tên mình trong giấy tờ nhà.
Trái ngược với điều ông Lý nói, con gái ông lại khẳng định việc mua ngôi nhà và ký kết hợp đồng là dựa trên sự thỏa thuận giữa 2 bên. Do đó, nếu ông Lý muốn nhận được sự công nhận của tòa án thì phải đưa ra bằng chứng để chứng minh lời nói của mình là sự thật. Tuy nhiên, vì không đưa ra được bằng chứng cụ thể và toàn bộ giấy tờ và hợp đồng mua nhà đều có tên con gái ông Lý nên tòa án tỉnh Chiết Giang đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lý.
Không đồng tình với phán quyết của toà án Chiết Giang, sau khi trở về Thượng Hải, ông Lý liền đến ngân hàng địa phương nơi đã từng rút tiền mua nhà để in lại hồ sơ giao dịch. Có được bằng chứng này, ông cụ cho rằng mình nắm chắc phần thắng nên kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng với mong muốn lấy lại số tiền đã mua nhà.
Ảnh minh họa: Internet
Trước tòa án nhân dân quận Phổ Đà, thành phố Thượng Hải, ông Lý cho biết toàn bộ số tiền 560.000 NDT mua nhà đều là tiền của ông bỏ ra nên tài sản này phải thuộc về ông. Tuy nhiên, con gái ông lại phản bác thông tin đó và khẳng định số tiền mua nhà có sự đóng góp của cô.
Người phụ nữ này cũng cho biết sự thật là khi mua nhà, bố cô vì không đủ tiền nên đã thỏa thuận 2 bố con cùng góp tiền và đứng tên tài sản. Tuy nhiên, cô không đồng ý việc này mà đặt yêu cầu nếu góp tiền thì bản thân phải được đứng tên sở hữu căn nhà.
Con gái ông Lý cũng cho biết thực ra bố cô chỉ bỏ ra 310.000 NDT trên tổng số tiền 560.000 NDT, 250.000 NDT (hơn 856 triệu đồng) còn lại là cô góp vào. Cụ thể, 150.000 NDT trong số đó là số tiền cô rút ra từ tài khoản của bố mình, đây cũng chính là món quà mà ông cho cô. 100.000 NDT còn lại là cô tự bỏ ra. Tuy nhiên, “món quà” 150.000 NDT (hơn 342 triệu đồng) mà cô nhắc đến lại không được người tặng là ông Lý công nhận nên không được tòa chấp nhận.
Cuối cùng, sau khi xem xét kỹ vụ việc cũng như nguyện vọng của người khởi kiện, Tòa án nhân dân quận Phổ Đà, Thượng Hải đã đưa phán quyết rằng con gái ông Lý là người sở hữu hợp pháp căn nhà tranh chấp nhưng buộc phải trả lại 460.000 NDT ( hơn 1,5 tỷ đồng) cho bố mình, đồng thời trả thêm khoản lãi tương ứng trong thời gian đứng tên trên tài sản. Sau khi tòa tuyên án, con gái ông Lý kháng cáo nhưng bị tòa án bác bỏ và giữ nguyên bản án ban đầu.
Có thể nói, việc xảy ra tranh chấp tài sản giữa những người thân trong gia đình là vấn đề rất nhạy cảm. Do đó, việc mua bán và đứng tên sở hữu tài sản trên giấy tờ cần được đôi bên thực hiện rõ ràng và đạt được sự thống nhất thì mới có thể hạn chế tình trạng này xảy ra.