Lê Dương Bảo Lâm mới thi trượt bằng lái 14 lần chưa ăn thua gì so với cụ bà Cha Sa-soon thi trượt gần 1000 lần ở Hàn Quốc đâu nhé.
Người phụ nữ nhỏ bé sống tại làng Sinchon, cách Seoul khoảng 180 cây số, được cả Hàn Quốc biết tới với cái tên “Ngoại Cha Sa-soon”, đã đạt được một kỷ lục khiến người dân ở đây phải lắc đầu ngạc nhiên và sau đó cười bò: Ngoại đã trượt bài thi lái xe gần 1 nghìn lần nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc. Cuối cùng, ngoại đã nhận được giấy phép lái xe – trong lần thi thứ 960, hành trình thi lấy bằng của ngoại Cha đã trở thành một huyền thoại ở Hàn Quốc dù đã hơn 10 năm trôi qua.
Trong ba năm, bắt đầu từ tháng 4 năm 2005 đến năm 2008, năm ấy ngoại Cha Sa-soon đã 69 tuổi – thường có thói quen đi thi bằng lái xe… hằng ngày, năm ngày một tuần. Sau đó, có lẽ cũng vì trượt nhiều quá, nên ngoại chỉ còn tới trường thi khoảng hai lần một tuần. Nhưng điều quan trọng là Cha Sa-soon không bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Hình ảnh ngoại Cha Sa-soon bên chiếc KIA được hãng Huyndai tặng
Park Su-yeon, giáo viên hướng dẫn tại Trường lái xe Jeonbuk, nơi ngoại Cha từng theo học cho biết: “Cuối cùng khi bà ấy cũng nhận được bằng lái xe, tất cả chúng tôi đã reo hò và ôm chầm lấy bà, tặng hoa cho Cha Sa-soon. Chúng tôi cảm thấy như một gánh nặng to lớn đã được gỡ khỏi những đôi vai gầy nơi đây. Chúng tôi không đủ can đảm để bảo bà Cha từ bỏ vì bà ấy cứ xuất hiện ở trường liên tục”.
Theo lời của cô Park và các giáo viên tại đây, ngoại Cha thường bị đánh trượt ở các bài thi lý thuyết chứ không phải thực hành lái xe.
“Cô ấy có thể đọc và viết các từ theo ngữ âm nhưng cô ấy không thể hiểu hầu hết các thuật ngữ, chẳng hạn như ‘quy định’ và ‘đèn khẩn cấp’”, cô Park, giáo viên cho biết.
Ngoại Cha đã trượt bài kiểm tra lý thuyết tận 949 lần, nhưng điểm số của ngoại vẫn tăng dần lên. Tại lần thi trước đó, các giáo viên tại Trường dạy lái xe Jeonbuk đã mời Cha Sa-soon học thêm, giải thích thuật ngữ một cách tỉ mỉ.
Đối với mỗi bài kiểm tra trong số 960 bài kiểm tra của mình, Cha Sa-soon phải trả 5 đô la phí đăng ký.
Tới tháng 11/2009, cụ mới vượt qua phần thi lý thuyết sau khi trải qua 959 lần thất bại. Từ tháng 4/2005 tới thời điểm đỗ phần thi lý thuyết, cụ đã chi gần 4.500 USD (xấp xỉ 104 triệu đồng)
Lee Chang-su, một giáo viên khác cho biết: “Bạn phát điên khi dạy bà ấy, nhưng chúng tôi không thể giận bà ấy được. Cha Sa-soon luôn vui vẻ. Khi lái xe, bà ấy như một cô gái nhỏ lần đầu được chạm vào vô lăng vậy”.
Cụ bà Cha Sa-soon
Cụ bà không giấu được vui mừng vì nỗ lực được đền đáp theo cách khác
Vì cụ thi trượt nhiều lần ở phần thi lý thuyết chứ không phải thực hành nên vị giáo viên này khẳng định cụ sẽ không gây nguy hiểm khi điều khiển ô tô trên đường.
Cha Sa-soon sau đó đã trở nên vô cùng nổi tiếng ở Hàn Quốc, tới mức tập đoàn Hyundai đã bắt đầu một chiến dịch trực tuyến và yêu cầu mọi người đăng tin nhắn chúc mừng ngoại. Sau đó, Hyundai đã tặng bà Cha một chiếc ô tô trị giá 16.800 USD (khoảng 380 triệu VND).
Lý giải về độ “lì” lúc đi thi bằng lái, bà Cha cho biết một phần cũng do tuổi thơ nghèo khó khiến bà luôn muốn vươn lên và vượt qua nghịch cảnh. Một phần vì thành phố Jeonju, nơi bà Cha sinh sống, là một nơi có mật độ giao thông khá phiền phức.
“Ở đây, nếu lỡ xe buýt, tôi sẽ phải đợi thêm hai tiếng nữa thì mới có tuyến khác tới” – Ngoại Cha cho hay. “Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn có bằng lái xe để chở các cháu tới sở thú mà không phải bắt taxi hay gì cả, các con tôi đều đã kết hôn và chồng tôi thì qua đời vài năm rồi, tôi có rất nhiều thời gian cho bản thân”.
Khoảng một thập kỷ trước, trước khi quyết tâm có được bằng lái, ngoại Cha đã dành ba năm để học và có chứng chỉ thợ làm tóc. Trong sáu tháng, ngoại bắt một chuyến xe buýt lúc 6 giờ sáng mỗi ngày trong tuần, chuyển sang tàu hỏa và sau đó lại nhảy chuyến xe buýt khác để tham dự chương trình đào tạo thợ làm tóc do chính phủ tài trợ. Nhưng không có thẩm mỹ viện nào thuê Cha Sa-soon. Bà bị coi là quá già.
Mục đích của cụ khi thi đỗ bằng lái cực kì đáng yêu nhé: “Tôi sẽ tự lái xe chở các cháu của mình đi sở thú”.
Con trai của bà, anh Park Seong-ju, 36 tuổi, sống ở Jeonju và làm nghề thiết kế biển hiệu và bảng quảng cáo, cho biết: “Mẹ tôi đã sống một cuộc sống khó khăn, bán rau ở cửa nhà và làm việc trong trang trại của người khác. Có lẽ điều đó khiến bà ấy trở nên cứng đầu. Nếu bà đã làm điều gì đó, thì chẳng ai có thể khuyên can bà ấy được”.
Ở trên tường nhà ngoại Cha Sa-soon, nơi treo những bức ảnh đen trắng của ngoại và người chồng quá cố khi còn là một cặp vợ chồng trẻ và một chiếc đồng hồ đã ngừng hoạt động, bà cũng đã làm một chiếc bảng viết tay có nội dung “Đừng bao giờ bỏ cuộc!”