Những phim về đề tài lịch sử, phim do nhà nước đặt hàng sản xuất thường lép vé về doanh thu. Có phim được đầu tư chỉn chu, tâm huyết nhưng chỉ bán được vài vé. ‘Đào, phở và piano’ của đạo diễn Phi Tiến Sơn là ngoại lệ. Phim bất ngờ tạo cơn sốt đến mức trang web đặt vé của Trung tâm chiếu phim Quốc gia bị sập.
Đào, phở, và piano từ một bộ phim ít người quan tâm, bỗng tạo ra cơn sốt vé khiến rạp Quốc gia liên tục tăng suất chiếu. Đây có thể sẽ là phim được nhà nước đặt hàng ăn khách nhất từ trước tới nay.
Chiếu cùng thời điểm với bom tấn trăm tỷ đồng Mai của Trấn Thành, Đào, phở và piano vẫn chinh phục được nhóm đối tượng khán giả riêng.
Phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn có kinh phí thực hiện khoảng 20 tỷ đồng, quy tụ một số diễn viên như NSND , NSƯT Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, Anh Tuấn, gương mặt “mới tinh” Cao Thùy Linh,…
Chất lãng mạn giữa cuộc chiến
Câu chuyện phim xảy ra những ngày giữa tháng 2/1947, lấy bối cảnh những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Một số người còn nán lại bên chiến lũy, dẫu biết rằng ngày mai bom đạn sẽ trút xuống. Họ đón nhận cái chết một cách bình thản, xác định rằng “ngay cả cái chết cũng không chia lìa được chúng ta”.
Mỗi người đều sống chết vì những niềm đam mê riêng. Trong số đó, một đôi tình nhân là anh lính tự vệ tên Dân (Doãn Quốc Đam) và Hương – cô tiểu thư Hà thành (Thùy Linh) – thất lạc nhau trong cuộc chiến. Khi tìm được nhau, họ chỉ còn chưa đầy nửa ngày để làm đám cưới.
Chuyện tình dũng cảm, đầy éo le của Dân và Hương.
Vun vén cho mối tình ấy là ông họa sĩ già (NSƯT ), vị linh mục (NSND Trung Hiếu) và ông bán phở (Anh Tuấn). Họ đều là những người dân Hà Nội được xây dựng với nét đẹp lãng mạn, hào hoa. Ông họa sĩ già luôn ấp ủ về được bức tranh thỏa ý mình. Vợ chồng ông bán phở đam mê cặm cụi, chỉ mong có người để thưởng thức.
Chú bé đánh giày luôn nhớ về ngày tháng cũ bình yên, ước ao có một chiếc mũ cảm từ quân. Vị linh mục luôn khao khát sự an bình trong chiến trận. Họ đại diện cho các tầng lớp người Hà Nội. Tuy khác nhau về thân thế, nhưng gặp nhau bởi tình yêu cái đẹp, đam mê sự tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước hồn nhiên.
Sự lãng mạn và tình yêu của họ vượt lên trên hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp họ bước qua nỗi sợ khi cái chết đang ập tới.
Bối cảnh phim trước và sau trận đánh của quân Pháp.
Phim lấy bối cảnh cận Tết, người dân Thủ đô phải sơ tán lên chiến khu nên những cành đào phải vất vả lắm mới kiếm được. Phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội, và trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, trong một góc phố thường vang lên tiếng piano réo rắt.
Đào, phở và piano là ba sự vật hiếm khi được liên tưởng đặt chung một chỗ, nhưng đều là những thứ đặc trưng, tinh túy của Hà Nội xưa.
Thỏa mãn cả phần nghe, phần nhìn
Đạo diễn Phi Tiến Sơn bỏ không ít công sức để phần hình ảnh, âm thanh của Đào, phở và piano thực sự chỉn chu, ấn tượng. Cảnh phim về tình yêu và chiến tranh liên tục đan xen trong suốt 24 giờ của ngày 17/2/1947.
Trong vỏn vẹn 24 giờ ấy, phim thể hiện rõ hai mảng không gian – thời gian trái ngược, trước và sau khi quân Pháp tiến đánh Thủ đô. Những con phố như Hàng Bún, Yên Ninh trước kia tấp nập người mua bán, sau trận bom trở nên xơ xác, tiêu điều. Màu sắc sáng – tối, tiết tấu nhanh – chậm của mỗi cảnh phim ở hiện tại, quá khứ đều thể hiện ý đồ tạo sự đối lập của đạo diễn.
Đào, phở và piano cháy vé nhờ hiệu ứng review phim trên mạng xã hội. Khán giả cũng bày tỏ sự ủng hộ với phim lịch sử.
Điểm trừ ở khoản này có lẽ là việc xoay chuyển những cảnh quay đối lập quá nhanh, khiến người xem có phần “căng mắt”. Tuy nhiên, đó lại là chìa khóa để mở ra cảm xúc hồi hộp, gay cấn và cả nỗi sợ khi lần lượt các nhân vật được dẫn tới tận cùng của số phận.
Phần âm nhạc của phim do nhạc sĩ Trọng Đài đảm nhận. Ông nổi tiếng với những bản nhạc phim gần gũi với cuộc sống đời thường và phản ánh những truân chuyên của kiếp người. Không phải tiếng piano, ca trù mới là điểm nhấn trong phần nhạc củaĐào, phở và piano.
Bối cảnh được đầu tư cũng giúp phim đem lại hiệu ứng tốt. Trước đây, một số phim Việt về đề tài lịch sử, chiến tranh cũng nhận không ít phản hồi kém tích cực vì bối cảnh sơ sài, thiếu thuyết phục.
Bối cảnh phim được dựng mới hoàn toàn. Ảnh: Nguyên Khánh.
Đoạn phố cổ dài hơn trăm mét ở Đào, phở và piano được dựng từ bãi đất trống nằm bên hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Đạo diễn và ê-kíp quyết định dựng mới hoàn toàn bối cảnh chiến lũy xưa.
Ngoài dàn diễn viên thực lực, vai nữ chính được giao cho gương mặt mới là Cao Thùy Linh. Mới 20 tuổi, chưa có kinh nghiệm đóng phim, diễn xuất của Thùy Linh trong phim dừng ở mức tạm ổn, cách thoại cũng cần cải thiện nhiều. Tuy vậy, Thùy Linh dũng cảm đóng cảnh nóng ngay lần đầu chạm ngõ điện ảnh.
Đào, phở và piano do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng CTCP Phim truyện I thực hiện. Đạo diễn Phi Tiến Sơn nghĩ tới ý tưởng thực hiện bộ phim này đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010). Ông cho biết đã dành cả chục năm tích lũy, xử lý kịch bản để cho ra đời Đào, phở và piano. Lúc đầu, đạo diễn nhắm tới một cái tên khác cho phim là Ngày tận hiến.”
Thu An“